Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

Chia Sẻ Về Điểm Yếu Điểm Mạnh "Cảm Giác" Trong Chơi Bóng Bàn (P1)

Em chơi môn thể thao Bóng Bàn tới nay cũng được 5 năm rùi, bao chuyện vui - buồn đáng nhớ, chiến đấu đưa đường bóng lên hàng trăm chiếc bàn bóng bàn. Trau dồi kỹ năng mỗi ngày qua các trận đánh với anh em, với đối thủ, với các bạn ở câu lạc bộ khác. Nay trời mưa cũng rảnh ngồi chia sẻ tới các bạn 1 đặc điểm đánh vào điểm yếu hay điểm mạnh của đối phương.



Hôm nay em mở đầu một chủ đề rất khó trong tập luyện bóng bàn, đó là cái "cảm giác". Nếu nói về kỹ thuật hay chiến thuật, di chuyển hay vũ khí thì còn có cái hình tượng thực tế khách quan để mà mô tả hoặc so sánh; đằng này viết về một thứ rất trừu tượng và riêng biệt từng người thì quả thật rất khó.

Chính vì thế mà có em mới tập bóng một thời gian được mọi người xem là có "tài năng" hoặc "năng khiếu", trong khi một số khác cố gắng "lấy cần cù bù thông minh" rèn luyện khổ sai mà kết quả chẳng tiến xa.

Khi mới chơi bóng bàn, em được nhét vào nhóm "có năng khiếu", tức là cùng một thời gian tập luyện nhưng em đã bỏ xa những đứa cùng học và có những trận đánh ngang ngửa với nhóm tuyển trẻ của tỉnh, dù em mới tập chưa đầy năm. Những thầy cô dạy bóng thuở ấy có phán rằng "thằng này có cảm-giác-bóng rất tốt, có tương lai", dạo ấy nghe khen thì khoái thôi chứ chả biết nó là cái khỉ khô gì, mà em nghỉ ngang để theo con đường khác nên cũng không còn tương ớt tương chao nào.

Sau này làm thầy dạy bóng bàn, ngẫm lại cái thời mình chơi bóng, tìm lại từng chi tiết nhỏ mới chợt ngộ ra rằng em chả có tí "năng khiếu" hay tài lanh gì ráo. Khi dạy cho một thằng cũng bị liệt vào hạng "không thể tiến bộ" thì chỉ trong vòng 1 năm nó đã vực dậy, nửa năm sau nó đã có thể tung hoành giang hồ với những cú chỉ-có-thể-là-thần-chì-đánh-được. Thế còn biết bao nhiêu đứa khác bỏ phí tương lai vì không có cái "khiếu trời cho" ấy?

Nếu nói rằng cả hai trường phái đều sai (mà chỉ có mình em là đúng) thì quả là chém bom, thế nhưng cả hai đều không dung hòa với nhau thành ra vẫn chỉ là hai thái cực. Cá nhân em xuất thân từ dân "năng khều" nhưng em hiểu rõ cái ấy do đâu mà ra, hơn nữa "cái đó" vẫn có thể tập luyện được chứ không phải là "quà tặng của ông Trời" cho riêng ai hết. Bài viết này mang nặng tính thực hành hơn là lý thuyết nhưng có một số điều em cho rằng các bác chưa bao giờ nghe tới hay nghĩ ra đâu.

Trước tiên, nói về Cảm Giác thì ai cũng chỉ nghĩ tới cái "cảm giác bóng" hoặc là cảm giác từ cây vợt truyền vào tay. Nghĩa là khi cú đánh chạm vào bóng ta có thể "cảm nhận" được cái thời gian bóng lưu lại trên mút và độ rung của cốt vợt. Có người còn nhận ra mình vừa đánh nhiều hay ít xoáy, bóng có như ý hay không,...chỉ ngay sau khi chạm bóng mà chưa cần thấy bóng qua bàn bên kia.

Tuy nhiên có rất nhiều người khi nghe nói tới cảm giác bóng thì ngớ ra, cũng như chưa bao giờ ăn trái cóc xanh nên chưa chãy nước miếng, đó là vì họ học bóng bàn không dựa trên cảm giác bóng - một trường phái khá thịnh hành ở VN - mà ngược lại rất ghét các cốt vợt có tính chất "rung". Điều đáng nói là, nếu chỉ xoáy sâu vào vấn đề tiếp xúc bóng trên mút, ma sát bóng, cảm nhận vợt,...thì lại sinh ra vô số hệ lụy nguy hiểm như không dám đánh sớm, gồng cứng hoặc dùng cổ tay quá nhiều dẫn tới chuyện chỉ tập trung vào kỹ thuật mà quên mất trận đấu. Ấy vậy mà ít ai biết cái Cảm Giác trong bóng bàn còn có "cảm giác lưới", "cảm giác bàn" và "cảm giác trận đấu" nữa, cộng với "cảm giác bóng" tất cả đều có thể tập luyện được hết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  • bài tập thể hình">